Đơn cử như X,ếgiớiđốiphónạntingiảdax index khi còn được gọi là Twitter, mạng xã hội này là công cụ thu thập và phổ biến thông tin cứu người, giúp điều phối nỗ lực ứng phó khẩn cấp trong các cuộc khủng hoảng, theo AFP. Hệ thống xác minh truyền thống của mạng xã hội này giúp các nguồn tin và tin tức được tin cậy rộng rãi. Tuy nhiên, sau một số thay đổi gần đây, X trở thành nơi xuất hiện của nhiều video bạo lực, hình ảnh giả mạo hoặc được miêu tả không đúng với bối cảnh, đặc biệt là trong các cuộc xung đột mới nhất. Trước đây, chỉ những người nổi tiếng, nhà báo hay chuyên gia đáng tin cậy mới được Twitter cấp dấu tích xanh cho tài khoản. Tuy nhiên, thay đổi mới cho phép bất kỳ người dùng nào cũng có thể sở hữu dấu tích khi chỉ cần trả phí 8 USD/tháng (khoảng 200.000 đồng). Việc này có thể giúp một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để phát tán tin giả hoặc thông tin sai lệch.
Công ty xếp hạng độ tin cậy tin tức NewsGuard cho biết trong tổng số 250 bài viết "viral" (phổ biến) nhất trên mạng xã hội X lan truyền tin giả hoặc thông tin sai lệch về cuộc xung đột Hamas - Israel, có gần 3/4 được đăng bởi các tài khoản có dấu tích xanh. Cố vấn cấp cao Nora Benavidez của tổ chức Free Press (Mỹ) nói việc thiếu các rào chắn bảo vệ khiến công chúng "rất khó phân biệt sự thật với điều hư cấu".
Nguy cơ mà nạn tin giả đặt ra đối với xã hội được cho là vô cùng to lớn và khiến các nhà quản lý vào cuộc.
Mới nhất, Ủy ban châu Âu ngày 19.10 yêu cầu Meta (công ty mẹ của Facebook) và TikTok trong vòng một tuần phải cung cấp chi tiết về những biện pháp đã thực hiện để ngăn việc lan truyền nội dung trái phép và thông tin sai liên quan xung đột Hamas - Israel. Yêu cầu được đưa ra chỉ một tuần sau khi X cũng bị yêu cầu thực hiện điều tương tự. Theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực hồi tháng 8, các nền tảng trực tuyến lớn phải hành động mạnh hơn để gỡ bỏ các nội dung trái phép và độc hại, hoặc có thể bị phạt đến 6% doanh thu toàn cầu của công ty.
Từ năm 2019, Singapore thông qua luật chống tin giả, cho phép các bộ trưởng phụ trách ra lệnh cho các nền tảng mạng xã hội đăng thông tin đính chính bên cạnh bài viết gốc bị cho là sai sự thật, hoặc gỡ bỏ luôn bài viết. Những thông tin gây tổn hại lợi ích quốc gia có thể khiến người đăng lãnh án tù đến 10 năm trong khi website đăng tải bị phạt đến 1 triệu SGD (17,9 tỉ đồng), theo tờ The Straits Times. Sự hiệu quả trong việc thi hành luật của Singapore được cho là mô hình tiêu biểu cho nhiều nước ASEAN.
Một số chuyên gia cho rằng do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp thông tin sai lệch lan truyền nhanh hơn và dễ dàng hơn, các nền tảng cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn lực kiểm duyệt, bao gồm năng lực dán nhãn, xác minh tính xác thực cũng như khả năng ngôn ngữ.
Hiện các nhà nghiên cứu tại các trung tâm xác minh tính xác thực và thông tin sai lệch cho biết nỗ lực của họ đang bị cản trở bởi các động thái từ phía mạng xã hội như tính phí truy cập dữ liệu cao hơn hay ban hành các hạn chế khác.